Với tiềm năng sẵn có, công nghiệp Alumin, sản xuất nhôm và năng lượng tái tạo được kỳ vọng là khâu đột phá để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đắk Nông trong tương lai.

Mỏ quặng bô xít lớn nhất Đông Nam Á

Tỉnh Đắk Nông có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, với 218 mỏ và điểm mỏ, gồm 16 loại khoáng sản có trữ lượng lớn, giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, tài nguyên lớn nhất là khoáng sản bô xít với trữ lượng chiếm 2/3 tổng trữ lượng cả nước, hơn 5,4 tỷ tấn bô xít trải rộng trên hầu hết diện tích của tỉnh, giúp Đắk Nông trở thành tỉnh có mỏ quặng bô xít lớn nhất Đông Nam Á và chất lượng quặng cũng được đánh giá là thuộc loại tốt trên thế giới (trữ lượng và tài nguyên dự tính khoảng 1.845,7 triệu tấn tinh quặng tương đương 4.402 triệu tấn quặng nguyên khai, hàm lượng nhôm từ 35 – 40%), quặng bô xít đều nằm ở độ cao trên mực nước ngầm, nước mặt và lộ thiên nên rất thuận lợi cho việc khai thác.

Theo Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 01/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô xít giai đoạn 2007 – 2015, có xét đến năm 2025 thì bô xít trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được quy hoạch thành 13 khu vực mỏ, được phân bố ở các huyện: Đắk G’long, Đắk Song, Đắk R’lấp, Tuy Đức và thành phố Gia Nghĩa với trữ lượng và tài nguyên dự báo khoảng 1,436 tỷ tấn tinh quặng, tương đương 3,425 tỷ tấn quặng nguyên khai, hàm lượng nhôm đạt trên 40%. Hiện tại Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã tiến hành thăm dò tại 7 khu vực mỏ và đã được Hội đồng trữ lượng khoáng sản Quốc gia thẩm định, phê duyệt với tổng diện tích đã thăm dò là 1.605 km2; chiếm 24,6% so với diện tích toàn tỉnh, tổng trữ lượng và tài nguyên quặng tinh đã được phê duyệt là 992,971 triệu tấn.

Theo đó, Dự án Nhà máy sản xuất alumina Nhân Cơ do Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư với công suất là 650.000 tấn alumina/năm và tổng mức đầu tư là 16.821,8 tỷ đồng. Nhà máy được khởi công xây dựng vào tháng 2/2010 và là một trong hai dự án thí điểm có quy mô lớn.

Mặc dù quá trình triển khai đầu tư xây dựng đã gặp không ít khó khăn, chịu ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, chịu sự tác động từ các yếu tố bất khả kháng đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án nhưng được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, sự hỗ trợ tích cực từ các Bộ, ngành, chính quyền các cấp và sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của chủ đầu tư đã hoàn thành đầu tư, đưa dự án vào vận hành thử nghiệm có tải vào tháng 11/2016, đến ngày 16/12/2016 đã có sản phẩm alumina đầu tiên và từ ngày 01/7/2017 nhà máy đã đi vào hoạt động sản xuất thương mại.

Năm 2017, nhà máy sản xuất được 501.000 tấn alumina, đạt 77% công suất thiết kế; năm 2018 sản xuất được 652.000 tấn alumina, đạt công suất thiết kế; năm 2019 sản xuất được 686.000 tấn alumina và năm 2020 dự kiến sẽ sản xuất khoảng 680.000 tấn alumina.

Đến nay, về cơ bản dự án đạt được các mục tiêu đã đề ra; chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội được đảm bảo, tạo được sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn. Một số chủ trương, chỉ đạo quan trọng, mang tính tiên quyết của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đối với dự án đến nay được chủ đầu tư cùng với sự nỗ lực của nhiều ngành liên quan đã được thực hiện một cách nghiêm túc, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ

Từ nguồn tài nguyên bô xít, Đắk Nông đã đẩy mạnh công nghiệp nhôm. Dự án nhà máy điện phân nhôm được khởi công xây dựng vào tháng 02/2015 tại Khu công nghiệp Nhân Cơ do Công ty TNHH luyện kim Trần Hồng Quân làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư khoảng 690 triệu USD; trong đó phân kỳ 1 khoảng 350 triệu USD, phân kỳ 2 là 175 triệu USD và phân kỳ 3 là 165 triệu USD; công suất thiết kế là 450 ngàn tấn nhôm/năm và được chia thành 3 phân kỳ với công suất tương ứng mỗi phân kỳ là 150 ngàn tấn/năm.

Nhà máy gồm có 06 hạng mục chính đó là: Khu văn phòng – Nhà ở, xưởng gia công thiết bị bể điện phân, xưởng điện phân nhôm, trạm biến áp 220 kV, xưởng gắn cực dương và xưởng đúc. Đến nay đã thi công xây dựng xong các hạng mục như: Văn phòng điều hành, nhà ở và nhà ăn của chuyên gia, nhà ở cán bộ, nhà ở và nhà ăn của công nhân; xưởng gia công thiết bị bể điện phân, xưởng làm sạch, nhà kho thiết bị và đang tiếp tục thi công một số hạng mục khác như: kho chứa hóa chất, xưởng gắn cực dương, xưởng điện phân… Dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành vào năm 2021 và vận hành thương mại vào năm 2023 với công suất giai đoạn 1 là 150.000 tấn nhôm/năm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *